Trạm dừng số ba – Đọc “The City of God1– Thành Đô Thiên Chúa” của thánh Âutinh.
Ngày Cựu Chiến Binh (Veteran Day) năm 2020 rơi vào giữa tuần, thứ Tư ngày 11 tháng Mười Một, thằng tôi có một hành trình rất gần mà cũng rất xa. Gần vì nó chỉ cần lái xe khoảng một giờ đồng hồ tới nơi nó phải đến. Xa vì nó phải ký vài giấy tờ để công việc được thực hiện trong hai ngày trước cuối tuần. Công việc này có thể là một khởi đầu mới và cũng có thể là cái kết trong một sự kiện mà thằng tôi có liên quan. Chuyến đi được lên lịch cả sáu tháng rồi và hành lý chẳng cần có gì nhiều. Trước khi đi, thằng tôi cố ý lấy một tác phẩm của thánh Âutinh để giết thời giờ nhàn rỗi. Tác phẩm này được chọn một cách cố ý chỉ vì công việc vô tình rơi vào tháng Mười Một của chu kỳ bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ2. Đọc lại tác phẩm Thành Đô Thiên Chúa lần này, thằng tôi muốn hiểu thêm về thời cuộc, muốn tìm câu trả lời cho riêng nó trong thời cuộc nhiễu nhương và bất ổn để có sự an bình nội tâm đích thực.
Âutinh sống trong xã hội với quyền bính tối thượng của Hoàng Đế và hệ thống luật lệ của nền văn hoá Hy-La. Các tôn giáo (đa thần) trong xã hội phát xuất từ những thần thoại Hylạp, cộng thêm với Ấn Giáo và Phật Giáo ở phương Đông. Khi thành Rôma sụp đổ, mọi sự đổ lên đầu Kitô hữu và Kitô giáo vì sự hiện diện và việc tôn thờ độc thần của họ làm các thần nổi giận khiến thế giới đảo điên, đau khổ và sự dữ lên ngôi.
Âutinh viết tác phẩm này khi chứng kiến thành Rôma (410) và Đế Quốc Rôma sụp đổ. Cuốn sách được chia ra hai phần khá rõ rệt. Phần đầu, Âutinh muốn trả lời cho những ai đổ tội cho người Kitô hữu (và cả Kitô Giáo) có trách nhiệm về sự sụp đổ của Đế Quốc Rôma. Âutinh dùng kiến thức Kitô Giáo và lý luận triết học để phản bác lại những tố cáo này, đồng thời chỉ ra rằng, triết học Kitô Giáo xây dựng con người và một thành trì vững chắc hơn nhiều, dù thành Rôma được mệnh danh là “thành phố vĩnh cửu – the eternal city” thủ đô của Đế Quốc đang dần sụp đổ. Âutinh dùng mục đích của triết học để dẫn mọi người đến một câu hỏi căn bản không thể né tránh đó là Sự Ác (Sự Dữ) – Đau Khổ. Độc đáo hơn, Âutinh buộc từng người phải đưa ra câu trả lời cho vấn đề này trên mọi lãnh vực cuộc sống, bao gồm cả chính quyền, mô hình chính trị, quy chuẩn lề luật, đạo đức, và cao nhất là tôn giáo.
Âutinh dùng ngòi bút của mình để đối thoại với những nhà triết học và những tác giả cổ đại viết về tôn giáo (Varro, Plato) để đưa ra mục đích tối thượng của một người là có đời sống đạo đức và hạnh phúc đích thực. Trên phương diện này, Âutinh có vẻ bi quan vì con người luôn có khuynh hướng làm những điều ngược lại, cho dù con người có thể có một hệ thống chính trị và luật pháp hỗ trợ. Giải pháp mà Âutinh đưa ra là chúng ta không nên dành hết nỗ lực để tìm kiếm và xây dựng hạnh phúc dựa những hệ thống chính trị và pháp lý trần thế. Thay vào đó, con đường giải quyết là vâng phục những mệnh lệnh thần linh. Âutinh trả lời cho những người nổi loạn, tàn phá thành Rôma rằng Kitô Giáo là con đường “thật” để xây dựng, đạt đến một lối sống đạo đức và hanh phúc bằng cách quyết định bước vào “Thành Đô Thiên Chúa”. Âutinh mời các nhà triết học áp dụng chính triết học để khám phá chân lý, là chính Thiên Chúa của Kitô Giáo. Âutinh dùng lý trí để suy luận rằng đỉnh cao của triết học là vén bức màn tâm trí cho chúng ta thấy sự thật và sự hạnh phúc vĩnh cửu mà con người hằng mong mỏi. Đối với Âutinh, lý trí và tự do con người không ngược lại với tôn giáo, với Thượng Đế. Lý trí và Thượng Đế không mâu thuẫn nhau, nhưng tỉ lệ thuận với nhau về một lối sống có đạo đức, có nền tảng vững chắc. Lối sống này xây dựng một hạnh phúc đích thực bằng những quyết định đặt trên nền tảng của thế giới thần linh.
Sự se duyên giữa lý trí và Kitô Giáo làm cho con người thấy rõ hơn ranh giới giữa Thành Đô Thiên Chúa và Thành Đô Trần Thế. Lý trí giúp con người nhận ra đích đến của mình và sự bất lực để đạt được nó. Kitô Giáo, với ân sủng của Thượng Đế, làm cho con người chấp nhận sự giúp đỡ từ Thiên Chúa để bước vào Thành Đô Thiên Chúa, nơi con người sống trong sự hạnh phúc đích thực. Khái niệm ân sủng và thời gian của Kitô Giáo như mũi tên đang bay về thời sau cùng, lúc mà ơn Cứu Độ được ban cho từng con người để thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của kiếp nhân sinh luôn vật lộn với đau khổ và sự dữ.
Phần hai, Âutinh dẫn chúng ta vào cuộc hành trình của Kinh Thánh, hành trình của “lúc khởi đầu”3 cho đến cuộc phán xét sau cùng và chiến thắng của Sự Thiện4. Đây là quan điểm của Kitô Giáo về hai thành đô. Bước đi cùng với Kinh Thánh, con người nhận ra Thành Đô Trần Thế bắt đầu từ tội của Cain. Từ đó trong suốt lịch sử của con người, Thiên Chúa luôn hướng dẫn lịch sử dù nó có thế nào đi nữa, dù con người dùng tự do của mình phạm thêm nhiều tội lỗi tày trời, dù hệ thống chính trị có tính toán những được thua ngay cả khi dùng những thủ đoạn bẩn thỉu. Thành Đô Trần Thế xây dựng trên tình yêu nhỏ nhoi và ích kỷ, đầy dẫy những khoái lạc vô bổ và lạc thú vật chất, mê mải quyền lực và thủ đoạn chiếm quyền đến độ coi thường danh dự.
Tự do của con người không làm Thành Đô Thiên Chúa biến mất đi. Đối với Âutinh, Kitô Giáo làm cho những biến cố trong lịch sử con người thêm rõ ràng. Kitô Giáo giúp người công dân trần thế sống trong thế giới thần linh nếu họ muốn. Kitô Giáo làm cho thế giới thần linh vô hình thành hữu hình bằng những nhân đức của những con người hữu hình bằng xương bằng thịt. Sự khao khát và cố gắng tập luyện để sức mạnh tinh thần vượt lên sự biếng nhác của thể xác. Thành Đô Thiên Chúa là nơi mà sự vâng phục thần linh là ánh sáng làm rõ ràng những quyết định thuộc về ánh sáng trước những cám dỗ của bóng tối tự mãn. Nơi mà những người cầm quyền và quần chúng cùng có chung một lợi ích là lợi ích chung để “công lý và bình an hôn nhau âu yếm”. Có một thế giới mà Sự Thiện ngự trị và toả ra hương thơm của sự thánh thiện và nét tinh ròng của lòng bác ái.
Âutinh khẳng định rằng cả hai thành đô cùng hiện diện trong từng ngày sống, trong từng ngóc ngách và từng công việc của thế giới này. Chiếc chìa khóa để mở được cánh cửa của từng thành đô chính là tình yêu của từng người dành cho nó. Trong suốt tác phẩm, Âutinh không bao giờ dùng Thành Đô Thiên Chúa để đối lập với Thành Đô Con Người vì con người có thể dùng tình yêu của mình để bước vào Thành Đô Thiên Chúa hay Thành Đô Trần Thế. Con người với một tình yêu dứt khoát và mạnh mẽ dành cho thành đô nào, thì nó sẽ bước vào thành đô đó. Khi vâng phục những đòi hỏi của tình yêu nào, thì con người thuộc về thành đô đó. Sự khắc khoải có một đích đến cho tình yêu và đặt nó vào đúng chỗ chính là cuộc chiến giữa Thiện và Ác. Cuộc đấu tranh giữa Sự Thiện (Thành Đô Thiên Chúa) và Sự Ác (Thành Đô Trần Thế) trong lịch sử con người không là một chủ đề mới, nhưng Âutinh đã đặt nền móng cho tư tưởng Phương Tây và làm Kitô Giáo nổi bật trong cuộc chiến này chỉ trong khái niệm Tình Yêu và khái niệm này được diễn giải trong tác phẩm hơn một ngàn trang. “Theo đó, hai thành đô được thiết lập bởi hai tình yêu: thành đô trần thế được thiết lập bởi lòng yêu mến chính mình đến độ khinh miệt Thiên Chúa; thành đô thiên quốc bởi lòng yêu mến Thiên Chúa đến nỗi khinh miệt chính mình.”5
Thằng tôi nằm trong căn phòng nhỏ, gió rít mạnh từng cơn bên ngoài và không biết công việc kết quả ra sao. Bên ngoài, tình hình bầu cử nóng lên từng ngày và không ai biết bao giờ mới xong. Xã hội nó đang chứng kiến sao giống Âutinh mô tả trong sách quá. An bình thằng tôi tìm kiếm sao giống những lời khuyên của Âutinh quá. Thằng tôi tự hỏi là nó đang đặt chiếc chìa khoá tình yêu của nó ở đâu. Nó muốn làm công dân của thành đô nào đây, bỗng nó chợt nhớ lời của thánh Phaolô: “quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Philip 3:20). Suy nghĩ một chút, thằng tôi nói với chính mình rằng: “không phải là tôi không quan tâm tới thời sự và những diễn tiến của xã hội, không phải là không cố gắng hết sức trong công việc, nhưng tôi biết đặt tình yêu mình ở đâu để an bình ở lại.” Bỗng dưng, có người lay nó dậy để đi về vì thằng tôi ngủ trong suy nghĩ đó từ lúc nào không hay.
Ghi Chú
- St. Augustine, City of God, Harmondsworth, England, Published by Penguin Books, 1972 – Dịch và chú thích bởi Henry Bettenson.Đây là tác phẩm về Triết Học Kitô Giáo. Một tác phẩm rất nổi tiếng của Âutinh và là nền tảng của nền triết học phương Tây. Tác phẩm được viết bằng tiếng Latinh với tựa đề đầy đủ là “De Civitate Dei contra Paganos – tạm dịch là Thành Đô Thiên Chúa chống lại Người Ngoại Giáo.”
- Sinh hoạt chính trị tại Hoa Kỳ rất sôi nổi theo chu kỳ bốn năm bầu cử tổng thống. Ngoài việc gián tiếp bầu tổng thống, trên phiếu bầu cũng có tên của các ứng cử viên trong Quốc Hội. Quốc Hội được chia thành hai Viện. Thượng Viện (Senate) với 100 Thượng Nghị Sĩ, mỗi bang có hai Thượng Nghĩ Sĩ với nhiệm kỳ sáu năm và cứ hai năm, sẽ có một phần ba thượng nghị sĩ được bầu lại. Hạ Viện (House of Representatives) với 438 Dân Biểu với nhiệm kỳ hai năm. Số Dân Biểu từng tiểu bang sẽ tuỳ theo dân số từng tiểu bang. Ngoài ra, trên phiếu bầu sẽ có những luật lệ riêng của từng tiểu bang được đưa ra để dân bầu. Khi các nơi bầu cử đóng cửa, phiếu bắt đầu được kiểm và thường thì kết quả bầu cử sẽ được công bố ngay trong đêm. Đại dịch Covid-19 làm cho điều kiện bầu cử có nhiều thay đổi, và kết quả của bầu cử tại Hoa Kỳ năm 2020 gây nhiều tranh cãi. Sau hơn một tuần, vẫn chưa có kết quả và dường như có dấu hiệu có nhiều kiện tụng lâu dài.
- Đây là từ đầu tiên của Sách Sáng Thế, cuốn sách đầu tiên của Bộ Kinh thánh.
- Hình ảnh của Sách Khải Huyền. Chiến thắng và Tiệc Cưới của Con Chiên.
- Phỏng dịch từ cuốn XIV, chương 28, 477: “Accordingly, two cities have been formed by two loves: the earthly by the love of self, even to the contempt of God; the heavenly by the love of God, even to the contempt of self.”
Người Lữ Hành
Đêm ngày 16 tháng Mười Một, sau khi trở về cộng đoàn.