Chuyện Bây Giờ Mới Kể

(“Chuyện Bây Giờ Mới Kể” là chủ đề của một cuộc thi viết chuyện ngắn của Báo Lao Động vào năm 2011. Tác giả xin mượn lại nó để đặt cho một suy nghĩ cỏn con sau một khoá tĩnh tâm của gia đình trong tuần cuối cùng của tháng Chín mà nơi sự kiện đó, tác giả được nghe  nhiều câu chuyện có thật mà bây giờ mới kể.)

Cuộc sống nhân gian vẽ ra muôn vàn lý do cho con người mở lắm hội hè tiệc tùng đình đám với những khoảng khắc gắn chặt với phận người từ sinh đến tử. Ai cũng biết rằng kiếp nhân sinh không tự nhiên từ dưới đất chui lên, nên hội hè tiệc tùng đình đám là điều gì đó nên làm để con người biết rõ mình không một mình trong cái vòng đời đang sống, cho dù đang vui thú tang bồng hay trong tủi nhục đớn đau. Danh sách khách mời luôn được cẩn thận sắp xếp để không lọt mất người nào: từ người thân đến bạn bè, ân nhân đến thầy cô, con bế con bồng hay con đang lông ngông tuổi ngang tàng, đồng hương đến cùng sở, đồng nghiệp đến nhỏ to các cấp,  già trẻ lớn bé và cả những người phải mời dù không muốn giáp mặt vì bất cứ lý do gì. Thôi thì gặp được nhau là vui rồi. Mà kể cũng lạ, khi gặp nhau rồi, không biết chuyện ở đâu chui ra thật nhiều để mà nói, mà cười, mà khóc, mà than, mà ăn, mà uống, mà chơi, … để rồi mà mê, mà say, mà mệt. 

Trước khi đi đến điểm hẹn, ai ai cũng đẹp cả từ cái áo, cái quần nơi thân thể mập ú hay gầy còm. Ai ai cũng lựa tới lựa lui từ cái mầu móng tay, từ cái đồng hồ, từ cái vòng xuyến, từ cái nhẫn nặng độ cara cho dù ngón tay thon thả nõn nà hay xương xẩu sạn chai. Ai ai cũng xỏ vô đôi bata hoặc đôi giầy tây với chọn lựa cẩn thận cho trùng màu với giây nịt lưng quần, hài hoà với bí tất cho dù đôi chân có là gót son gót hồng hay cứng khô nứt nẻ. Ai ai cũng cầm lược ngắm gương để tô môi kẻ mắt, hoặc xức keo tóc để ai đó  khi gặp mình buông ra lời khen về khuôn mặt trẻ đẹp dù mắt bắt đầu mờ và tai bắt đầu lãng. Và đôi khi là khó mà bước ra khỏi nhà khi không có các phụ kiện mà được xem là đẳng cấp như điện thoại thông minh hay cái túi xách hàng hiệu mà tiền mua làm cả gia đình nhịn ăn sáng cả năm. Khi đi có đôi có cặp thì vợ chồng đôi khi bảo nhau phải cùng mầu cùng kiểu mà đôi khi cùng cả cái hiệu của quần xì, thế mới gọi là sành điệu, biết thời trang và đẹp.

Bên dưới cái hào hoa phong nhã và đoan trang đài các ấy là những con người thật với những câu chuyện thật rất riêng từng người mà đôi khi toát lên những hương hạnh phúc, những sắc tươi vui, những nguồn thoả mãn. Và rồi cũng dưới bóng bên ngoài ấy, cũng có cả những căng thẳng ngược xuôi, những lo toan xì-trét, những thách đố đong đầy, những rủi ro tật bệnh, và những vấp ngã đớn đau trong phận người nổi trôi nơi vòng đời luẩn quẩn. 

Khi chủ xị nhìn đồng hồ, hắng giọng và ra dấu bắt đầu, từng mục một trong chương trình sắp sẵn cứ thế mà lớp lang trình diện bá quan văn võ. Và cho dù lý do gặp nhau có là vui là buồn, là chuyện nhà chuyện nước, chuyện riêng chuyện chung, ngay cả chuyện tôn giáo tâm linh, thì chủ xị muốn mọi người tìm được niềm vui và an bình đích thực bằng cách tạo nên một không gian an toàn đích thực để mọi người an tâm mà mang cái ruột non ruột già, cả núm ruột thừa mưng mủ chờ lúc xì ra với muôn sự thối tha nguy hiểm đến độ giết người được, mang cái gan to gan nhỏ, mang con tim đẹp tim đen, mang cái ung nhọt hôi thối được giấu kỹ trong cái bộ lòng mà bấy lâu nay chỉ mình ta biết với ta ra để chia để sẻ. Ai ai cũng gióng tai lên nghe những chia sẻ mang tính chuyên môn, những nhân chứng sống về những kinh nghiệm kín ẩn về những câu chuyện bây giờ mới kể. Cùng với hai điều ấy, thằng tôi được mời để dâng lên lời nguyện cầu, để đọc lên Lời thần linh, để hiện diện âm thầm với cái đặt tay chữa lành hoặc làm mắt xích nối gần các con tim để dâng lên Thánh Thần Tình Yêu và xin chỉ bảo cho biết điều phải làm trong suốt cuối tuần. Trong cái không gian riêng biệt ấy, cái khát vọng về một sự nồng ấm nghĩa tình, cái giấc mơ về một sự hoà thuận ấm êm, cái cố gắng về một sự kết hợp tan hoà trong nhau, trong cái cốt lõi của nhau, trong cái xương cái thịt của nhau. Khó lắm để tìm lại cái đẹp ban đầu ấy sau khi đã đập nhau tơi bời hoa lá. Khó lắm để kinh nghiệm lại cái tình ấp ủ nhau ở giây phút ban đầu ấy sau khi về chung giường chung gối mới khám phá ra những cái đuôi của nhau. Khó lắm để thấy cái tội của mình, thấy cái hay của người để nói được lời xin lỗi và cám ơn. 

Khó thật đấy, nhưng không thể không làm được. Bác Giêsu nhà mình lù lù ra đấy suốt cuối tuần, khiêm tốn quỳ rửa chân cho học trò. Bác bảo đưa hết cái thiu thối bẩn thỉu trong người ra Bác rửa cho. Rửa xong, Bác bảo là hãy rửa cho nhau. Thằng tôi nghiệm ra nhiều lần  nó không khiêm tốn đủ để mà “rửa chân cho nhau” như Bác muốn. Thằng tôi thấy vợ chồng người ta “rửa cõi lòng nhau” mà nước mắt cứ trào ra. Hình như bệnh khóc nó lây thì phải, cả cái phòng to lớn hơn trăm người mà chỉ nghe được tiếng thút thít, lạ lắm thay. Không dừng ở đó, Bác mở hội hè tiệc tùng linh đình để người người quây quần bên nhau mà ăn uống xum vầy. Trong tiệc ấy, Bác Giêsu liều thật khi nói lên Ăn Thịt Tôi đi, Uống Máu Tôi đi. Cái thân của Bác phải sẻ, phải chia, phải bị chọc tiết thì máu mới chảy ra thì dân chúng mới hứng được mà uống. Cái thân của Bác phải rửa, phải cọ kỳ, phải chặt ra từng khúc, phải băm nát ra như thịt làm nem, phải nấu, phải nướng, phải tan tành tả tơi thì mới thành Lương Thực, thành Cơm thành Bánh cho dân chúng nó nhai nó nuốt. Bác nói muốn nhớ đến Bác thì làm việc này. Trách nhiệm của thằng tôi là làm chủ xị Thánh Lễ giao hòa. Thằng tôi lập lại y lời của Bác Giêsu là cầm lấy mà ăn đi nào, cầm lấy mà uống đi nào. Đọc lời của Bác mà nước mắt trào ra vì thằng tôi biết là nó cũng phải bị chặt, bị cắt, bị sẻ, bị chia, bị chọc tiết, bị cọ kỳ, bị băm nát, bị nấu, bị nướng, bị tanh bành tả tơi cho cái tôi ích kỷ, cho tật xấu khó ưa để rồi mới ăn được. Thằng tôi chứng kiến vợ chồng người ta chấp nhận bị cọ kỳ cái tôi ích kỷ, băm nhỏ những tật hư nết xấu, nấu nướng những giận hờn hơn thua để thành bánh thành cơm cho nhau sao mà đã cõi lòng.

Hội hè tiệc tùng của Bác Giêsu thật lạ. Ai ai đến dự thì đẹp đẽ bên ngoài tả tơi bên trong. Ra về thì bên trong ai ai cũng trở nên bạn bè thân thiết, trao cho nhau những ấm nồng của cái tình. Tiệc Bác bày ra, dân chúng trở nên mê mệt trao chính cái tôi bên trong cho nhau để làm bạn làm bè, để nên bánh nên cơm, để nên một xương một thịt. Tiệc Bác bầy ra, dân chúng nhậu nhẹt say sưa, khóc cười rôm rả, hát hò um xùm quên hết cả tả tơi bên ngoài. Môi son má phấn, cái nhẫn đôi giầy, cái vòng cái xuyến, điện thoại cùi bắp hay thông minh, túi xách nilon hay gì gì đó chẳng còn ý nghĩa gì cả. 

Ăn thịt uống máu của Bác Giêsu xong, ai ai cũng muốn thành cơm thành cháo cho người. Ai ai cũng muốn sống tự do mênh mông như Bác vứt bỏ lo toan xì-trét để ngồi xuống hàn huyên thủ thỉ. Ai ai cũng “trần trụi” nghèo nàn mà không hổ người như lúc Bác ngủ trên thập giá. Ai ai cũng được gom vào một nhà làm “tứ hải giai huynh đệ” để ôm nhau trong những vòng tay và trao cho nhau những “làm phiền đáng yêu.” Ai ai cũng lãng mạn tình tứ với cái tình, cái lực, cái năng lượng của Bác để mà yêu luôn cái khác biệt của người bên cạnh hay thường ấp chung chăn gối. Ai ai cũng quên đi cái tư lợi bạc tiền để ấp ủ nâng niu các phận người lấm lem vất vưởng kiếm ăn. Giêsu mở tiệc để người người đi dự dù xấu xí, tan tành, tả tơi, bầm dập, khổ đau, …hoặc cho dù đẹp đẽ đến đâu đi nữa, chả còn gì là quan trọng cả. Tiệc của Bác chỉ có mỗi cái tình. Cái tình là cách ứng xử, cái tình là lương thực cho nhau. Cái tình là cỗ cho nhau nhâm nhi và cũng là quà cho nhau gói ghém mang theo lòng.

Bác Giêsu sống cái tình của Cha. Cái tình ấy đã khiến Bác như khùng như điên để yêu để thương, để hoá mình ra không, để mang lấy cái phận thấp hèn bé nhỏ đển độ thằng tôi này  không cần tìm kiếm đâu xa. Lẳng lặng bước vào những nỗi đau của nhau để mà hôn hít lấy cái vết thương lòng rỉ máu như Bác đã làm cho học trò của Bác, cho những người theo và muốn sống như Bác. Cuối tuần này, thằng tôi chứng kiến vợ chồng người ta lẳng lặng bước vào cõi lòng nhau và cũng bắt chước Bác Giêsu, hôn lấy hôn để cái vết thương lòng của ai ấy để mà khóc với nhau, mà than với nhau, mà cười với nhau, mà nói với nhau, mà ăn uống nhau, …. và để rồi với kinh nghiệm ấy, vợ chồng sống mê, sống say nhau như thửơ ban đầu lưu luyến ấy. Ai cũng mệt lắm mà vẫn nghe vợ chồng người ta nói cảm thấy lòng nhẹ như bông. Thằng tôi nghe trộm được và cười khúc khích trong bụng vì kinh nghiệm về Bác Giêsu thật lạ.

Thằng tôi đi giúp tĩnh tâm. Tưởng làm gì ghê gớm lắm. Bác Giêsu bảo thằng tôi ngồi yên đấy mà nếm mà cảm những nhân tình thê thái của bàn quan thiên hạ. Bác Bảo thằng tôi ngồi yên ấy mà tập khóc với người ta. Bác bảo thằng tôi cười nói với anh chị em nó lúc rảnh rỗi, ca hát, ăn uống um xùm. Cuối cùng Bác Giêsu bảo là Bác muốn mượn lời của thằng tôi này mà dọn cỗ cho thiên hạ. Thằng tôi run sợ trong lòng và cố gắng đọc to lên như lời mời gọi mọi người ăn cỗ: “Này là Mình Thầy…Này là Máu Thầy.” Thằng tôi này chợt nghĩ trong tiệc tùng Bác Giêsu dọn, chỉ có cái tình, cái tình yêu làm điên loạn đất trời, cái tình yêu mà làm cho Bác Giêsu thân tàn mà dại với thời gian, cái tình yêu thương tha thiết làm Bác trở thành lương thực cho đời chấm mút. Trong bối cảnh phức tạp của đời sống đôi bạn, Bác Giêsu mời họ cũng vì cái tình yêu thương ấy mà thân tàn ma dại với nhau và với con cái, để cho nhau chấm mút lấy cái khốn đốn của nhau, để mà có thể nên thân tình nghĩa thiết hơn.

Thằng tôi tưởng mình đi giúp tĩnh tâm,  nhưng Bác Giêsu hỏi thầm: “học việc xong chưa?” Thằng tôi lẳng lặng cúi đầu xin Bác thương tình chỉ giáo thêm cho ạ.

Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này