Chuyện Cuối Tuần

Ai ai cũng đọc báo, lướt mạng, nghe đài, xem truyền hình mỗi ngày. Việc làm này có cái tên thật đẹp là “tiếp cận thông tin” hay “cập nhật tin tức” về xã hội. Ai ai cũng vào các trang mạng xã hội tự facebook, twiter, dạo một vòng với những người được gọi là “bạn” để không bỏ qua những tin tức cụ thể hơn như đi mừng sinh nhật, họp hội đồng hương, hay karaoke giải trí. Ai ai cũng kiểm tra điện thư, viber hoặc tin nhắn trong điện thoại để biết hơn một chút tình hình những người gia đình, bạn bè thân thiết, hoặc những chuyện gia đình phải dự, những hội thảo này nọ vì là một thành viên. Tuy nhiên, cũng có những người bật radio hoặc tivi không phải để nghe hay để xem, nhưng để không gian trong nhà có thêm tiếng động vì đã quá quen với xã hội ồn ào, tấp nập mà nhiều khi được gọi là năng động. Cũng có những người thì tiệc sinh nhật, họp đồng hương, hát karaoke cũng chỉ là cái cớ để nhẹ nhàng khoe những trang sức, chiếc xe, cái áo mới có được, hoặc âm thầm giới thiệu những thành công của con cái, để ý dâu rể tương lai, hay tìm hiểu thêm tí chút những người trong vòng thân cận. Kiểm tra điện thư ở ipad, hay đọc tin nhắn ở điện thoại hoặc viber trong lúc nằm trên giường hay ngả lưng ở bộ sofa với bộ đồ ngủ để thoái mái nghỉ ngơi hoặc tự do thong thả mà không phải với chạy đua với cái đồng hồ thong thả tích tắc giết thời gian. Tưởng là nghỉ ngơi, nhưng chuyện tin nhắn hay viber cũng làm nên chủ đề phải nói, phải đi đây đó để tụm năm tụm bảy nói cho sướng cái miệng mà không bị ai rầy la hay nhắc khéo như ở văn phòng, hay ngồi cho đã cái mông mà không phải thu rửa chén đĩa sau bữa như mọi khi. Cũng có một số đông đi chợ nấu ăn, giặt giũ áo quần, hút bụi trong nhà, cắt cỏ ngoài sân, rửa xe thông cống, trang trí nội thất, lau cửa thay rèm, trải giường thay gối, … Ai ai cũng tất bật, dù vội vã hay thong thả, làm nên cái cuối tuần đầy ắp, đầy ứ, đầy tràn từ trong nhà ra ngoài phố, từ trong lòng ra bên ngoài những câu chuyện cuối tuần rất riêng của từng người, từng gia đình. Những câu chuyện này có cả tiếng cười, có cả tiếng khóc, có cả cái lặng im, có cả ồn ào to tiếng, có vỗ tay chúc mừng, có đập vai thông cảm, có kỷ niệm xưa cũ, có tính toán tương lại,… Ôi cái cuối tuần, cái hiện tại của riêng ta với ta cũng không thoát khỏi những câu chuyện đong đưa phận người.

Cũng đã từ lâu, thằng tôi này không nhận được thư bưu điện, cũng chẳng có cánh thiệp nào bay tới. Nó biết tháng Mười này nó mở mắt không ra vì công việc. Thằng tôi cẩn thận thu xếp để mọi sự trong vòng kiểm soát. Nhưng cuối tuần đến, thằng tôi cũng vội mày mò mở điện thoại xem tin nhắn, liếc vội viber và bật vi tính để xem có điện thư nào khộng!

À ha, tin nhắn của anh bạn linh mục đi du học xứ người mời đến nhà trọ nhâm nhi càfê vì trời mưa lâu quá không đi đâu được. Nhà trọ ông bạn nằm trên đường đi làm, tạt ngang và tấp vô để vui với nhau bên ly càfê thì còn gì bằng. Thằng tôi dậy sớm, tắm vội, mặc áo thung và quần sọc ngắn vì biết trên đường đi, có chỗ phải lội qua con nước cuồn cuộn, đục ngầu như nước mầu kho cá, cộng thêm mùi cống nồng nàn hơn cả mùi hoa bưởi. Nhà trọ ông bạn ở tầng hai, nằm sát đường. Làm thân sinh viên du học nên chẳng đủ ghế mời một ông khách, và thế là cả chủ và khách ngồi bệt xuống sàn. Linh mục độc thân nên căn phòng trọ bé tẹo làm chân thằng tôi đụng phải chân bàn chân ghế dù duỗi chân chưa thẳng. Kiếm mãi mà không có hai cái ly giống nhau nên đành lấy ly thuỷ tinh pha càfê Trung Nguyên đãi khách, còn chủ nhà thì dùng ly nhựa đậm mầu đến độ không thấy những giọt càfê nhỏ thong thả từng giọt từ một nửa phin càfê còn lại. Càfê nghèo trong căn phòng trọ mà cũng làm nên câu chuyện cuối tuần. Cơn mưa bên ngoài rả rích và con nước lũ trở thành câu chuyện mở màn. Mưa nhiều làm cho mùa mưa lần này nhiều ngày, nhiều nước hơn mùa mưa lần trước. Nước mưa nhiều thành lũ chảy theo khắp nơi nơi, không chỉ trong lòng Marikina*, mà còn phá cả những con đường duy nhất vùng Bắc Việt và làm khúc ruột miền Trung như một cửa biển mênh mông, đục ngầu mầu phù sa, được trang điểm lốm đốm bằng mầu xanh của ngọn cây, và nâu sậm của mái tranh, cùng với mọi thứ lềnh bềnh tự do trôi theo con nước.

Nhâm nhi ly càfê và ngắm mưa rơi rả rích bên ngoài, ông bạn tôi hút thuốc nên làm cho căn phòng thêm mờ mờ ảo ảo cũng đủ gợi hứng cho các thi sĩ phóng bút thành thơ. Nhưng anh em chúng tôi thật lạ. Cả hai cùng mở miệng nói về thân phận con người lam lũ mà xác họ thì nổi trôi theo dòng nước và tinh thần họ nổi trôi theo dòng nghèo. Những người khốn khổ ấy mất hết, mất sạch sành sành. Còn lại gì thì ướt như chuột lột, lấm lem như ông kẹ và thum thủm như cú. Lời cảnh cáo của bà Mẹ Đất về những khai thác thiên nhiên bừa bãi và ích kỷ đã phần nào làm nên thiên tai cuốn trôi và vắt kiệt cuộc đời họ. Đớn đau hơn là linh hồn,  tinh thần, cái tinh tuý nhất của con người họ cũng đang gồng lên vội thở để có thể ngấp ngoái khỏi chết ngộp với những nhân tai từ những tư lợi, những lừa dối, những bóc lột, những ngu muội của một xã hội băng hoại đến từ “đỉnh cao trí tuệ.”

Câu chuyện cuối tuần của hai chúng tôi không dừng ở cơn lũ nhưng đặt vấn đề với cung cách sống của người kitô và Đức Ái Kitô giáo mà Bác Giêsu để lại. Bác ra lệnh là muốn theo Bác thì phải yêu NHƯ Bác và chỉ cần như thế thôi. Yêu như Bác là yêu cho đến tan nát rã rời vì cứu lũ, yêu cho đến sạch sẽ mọi sự trong nhà, trong kho, trong túi vì bữa cơm của người nghèo, yêu cho đến cù bất cù bơ không nơi tựa đầu như Bác để ai đó có thể chợp mắt ngủ vội, yêu cho đến khi tư lợi, ích kỷ bị đóng vào thập giá để ai đó có thể sống nhân phẩm con người, yêu cho đến khi tiếng cười át được tiếng khóc thầm trong tim của bà mẹ, yêu cho đến khi hạnh phúc của người cha phủ che được bàn tay chai sạn, yêu cho đến khi sự tinh tuyền của tình yêu nam nữ vượt lên được khoái hưởng nhục dục, yêu cho đến khi tiếng súng tiếng đạn thực sự là quá khứ, yêu cho đến khi đồng tiền bị câm không nói được, yêu cho đến cái uy quyền chỉ còn là sự phục vụ, yêu cho đến khi … yêu cho đến khi cái kiếp người được an ủi bởi tha thứ và yêu cho đến chết, cho đến cùng để ai đó có thể sống lại trong tình yêu đích thực, lớn lên trong sự thật đích thực và tận hưởng nét đẹp đích thực của hình ảnh Thượng Đế trong cái xác phàm lam lũ khổ đau.

Chả biết nói gì với nhau mà đói cả cái bụng. Bình thuỷ nước nóng ông bạn tôi xin từ ông chủ nhà vẫn còn nóng đủ để làm mềm những sợi mì gói khô cứng. Húp bát mì ăn liền sao mà ngon đến thế dù nó có cái gì đâu. Có lẽ nó ngon vì cái tình và đúng là như vậy. Cả hai cùng hỏi là làm sao để cái tình Giêsu ấy lớn dần lên trong tìm mình, để cái tình ấy thành cái tình trong mọi người và trong mọi sự, để cái tình ấy trở thành tiêu chuẩn để đối xử với nhau.

Bác Giêsu đâu có bảo là đi học thật cao, làm nhà đào tạo để nhớ Bác mà yêu như Bác, thằng tôi đùa với ông cha bạn. Bác nói là hãy ngồi xuống để mà Bẻ Lời của Chúa cho nhau, để mà Bẻ Giêsu mà làm lương thực cho nhau. Bác nói là hãy ngồi xuống mà ăn mà uống với nhau cái Thân Mình của Bác. Nhớ bác Giêsu cũng không cần phải đi dạy học như tôi, ông cha bạn đùa với thằng tôi. Nhưng nhớ Bác là đồng hành với thân thể huyền nhiệm của Bác. Ai trôi theo lũ, thằng tôi này cũng phải để lũ cuốn đi để ai đó không bị trôi một mình. Ai vật vờ đường gió bụi kiếm cơm kiếm áo, thằng tôi này cũng phải để gió bụi đường xa phủ lên manh áo chén cơm. Ai vui đùa, thằng tôi phải đùa vui với họ. Ai làm gì, thằng tôi phải nhào vô để họ không một mình trong cái phận người đong đưa giữa thiên tai và nhân tai.

Làm việc đào tạo là làm cái gì nhỉ? Thằng tôi hỏi mình mãi mà chả biết phải làm sao. Qua chuyện cuối tuần, thằng tôi chợt nhận ra là chỉ có làm gương. Bác Giêsu đến để thằng tôi không một mình trong những khó khăn của nó. Bác Giêsu đến để thằng tôi có mẫu mà theo. Bác Giêsu đến, lấy cái chuyện cuối tuần rất riêng của từng người như cớ để đồng hành với họ. Hoá ra bài học Bác Giêsu muốn dạy là chuyện cuối tuần rất riêng của từng người vẫn phải là của nhau. Theo Bác Giêsu rồi thì phải mở cái cõi lòng ra để cho mọi người thấy cái sự riêng tư ấy, và cũng để cho cái cõi riêng tư ấy ôm ấp cái đong đưa phận người rất chung của nhau. Theo Bác Giêsu thật là khó và trầy da tróc vẩy. Bác làm được vì bỏ trời cao xuống làm phận người đề mà đong đưa với nó. Vậy thì chắc thằng tôi cũng làm được phần nào, nếu nó bỏ hết danh dự, quyền uy, tiền bạc, chức vị, kiến thức, … Bỏ hết, bỏ hết, bỏ hết những gì để có thể được gọi là RA KHÔNG. Trên hết và trước hết là phải bỏ đi chính cái thằng tôi lù lù như cục đá chắn đường thiên hạ. Bỏ hết, bỏ hết, bỏ hết, bỏ để không còn gì ngoài cái ĐỨC BÁC ÁI. Cứ ngỡ đức Ái chỉ dừng lại ở đồng tiền, cái áo, cái ngân phiếu, cái mà thằng tôi có thể tập cho đi từ từ. Nhưng đức Ái đích thực phải là cho đi chính cái thằng tôi để mà làm gương cho người khác. Nghĩ đến thấy khó quá, nhưng phải làm thôi, phải không Bác Giêsu? Bác giúp nhé vì thằng tôi này biết là nó ráng nhiều nhưng rất ít khi thành công.

*Marikina là tên một thành phố thường xuyên bị lụt sau mỗi trận mưa.
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này