Kinh Nghiệm Thánh Thể thời đại dịch Covid-19

Sẽ không thể quên với những người sống vào năm 2020 và lịch sử sẽ kể lại về một biến cố thật vĩ đại trên phạm vi toàn cầu bởi một con virus rất nhỏ và gần như vô hình. Bản thân con virus không tồn tại lâu được nhưng chỉ bám vào cơ thể sống để phát triển. Nó không đi đâu được nhưng rất tranh thủ những bước chân của con người để hiện diện khắp chốn. Sau ba tháng, nó gần như nó có mặt ở bất cứ nơi đâu có mặt con người, gây nhiều chết chóc và gieo rắc nỗi sợ hãi khắp nới. Nó làm nên đại dịch với tên Covid-19 (Corona Virus Disease of 2019). Mọi biện pháp từ ngăn ngừa cho đến chữa trị được bàn thảo và được đề nghị áp dụng. Ngoài những nghiên cứu khoa học để tìm cách ngăn ngừa (vaccine) và chữa trị (medication treatment), con người phải tự cách ly bản thân mình như cách thức ngăn ngừa và chữa trị hiệu quả. Thế là lệnh cách ly được hầu hết các chính quyền sử dụng, áp dụng cho tất cả mọi người, mọi tổ chức, mọi công việc, kể cả việc tôn giáo. Đối với Kitô giáo, lệnh cách ly rơi đúng vào những ngày tháng quan trọng nhất của cử hành tôn giáo: mùa chay, tuần thánh và đại lễ Phục Sinh.

Lệnh cách ly của chính phủ làm cho cả xã hội nói chung có phần nào đó sống như một đan viện. Nơi đan viện, chúng tôi không ra ngoài nhưng làm việc theo bổn phận được  bề trên trao cho mình. Chúng tôi giữ thinh lặng nhiều và chỉ nói những gì cần thiết. Chúng tôi giữ khoảng cách nhiều vì phòng riêng cũng là văn phòng làm việc. Chúng tôi chia sẻ bữa trưa với nhau trong tình anh em và đôi khi vừa ăn vừa nghe đọc sách thiêng liêng. Nhà nguyện là trung tâm của đan viện và của đời sống chúng tôi. Nơi chúng tôi sống đời tu sĩ nhiều nhất, làm tu sĩ nhiều nhất và chia sẻ cuộc sống  tu sĩ với nhau nhiều nhất. Ít nhất là bốn lần trong ngày, chúng tôi cùng nhau đọc kinh sáng, chiều, tối và cử hành thánh lễ. Khác với chúng tôi, các tín hữu thường đến nhà thờ (nhà nguyện) một tuần một lần vào ngày Chúa nhật để cử hành Thánh Thể, hoặc có những tín hữu vẫn siêng năng đến nhà thờ cử hành Thánh Thể mỗi ngày.

Cử hành Thánh Thể là việc làm tôn giáo cao nhất của một người tin Chúa. Tuy nhiên, lệnh cách ly đã không cho phép các tín hữu tụ tập để cử hành Thánh Thể như thường lệ. Đây là một mất mát lớn cho các tín hữu, nhất là trong những ngày trọng đại nhất trong năm của đời sống đạo. Lúc này, cơn đại dịch Covid-19 đã làm mất đi những ý nghĩa rất quan trọng của việc cử hành tuần thánh và lễ Phục Sinh: Sám hối công cộng,  Suy tôn Thánh Giá, Rửa tội cho các dự tòng, và canh thức Phục Sinh. Trước sự việc bất khả kháng này,  các linh mục quản xứ cố gắng nghĩ ra nhiều phương thức để cùng với tín hữu của mình tiếp tục cử hành Tam Nhật Thánh và Thánh Thể. Với kỹ thuật hiện đại, thánh lễ và các cử hành được truyền hình trực tiếp và ai ai cũng có thể tham dự nhờ một điện thoại thông minh.

Nơi đan viện, cuộc sống tâm linh không có gì thay đổi. Vẫn bốn lần vào nhà nguyện và Thánh Thể vẫn được cử hành như thời khoá biểu bấy lâu nay. Tuy nhiên, với những thông tin báo chí, cùng với điện thư và điện thoại nhận được, thằng tôi nhận ra những khao khát của các tín hữu muốn cử hành Thánh Thể như bình thường; nghĩa là được quy tụ lại, cùng nhau hát, cùng nhau thú tội và xin ơn tha thứ, cùng nhau cầu nguyện và chúc bình an, và nhất là cùng nhau hiệp thông trong một tấm bánh được bẻ ra và một chén được chúc tụng. Thằng tôi không phủ nhận những cố gắng và rất trân trọng những ý muốn ngay lành của tất cả mọi người dâng lễ trực tuyến để những kinh nghiệm này không mất đi. Bản thân nó cũng nhận nhiều điện thư và điện thoại hỏi xem rằng nó có dâng lễ trực tuyến không. Dù vậy, thằng tôi có những suy nghĩ có lẽ khác với mọi người. Xin được phép chia sẻ những suy nghĩ này trong tâm tình Giáo Hội và cá nhân.

  1. Có rất nhiều người nghe thằng tôi chia sẻ, lập đi lập lại và nhấn mạnh trong những buổi tĩnh tâm hay trong những buổi hội thảo rằng: theo Kitô Giáo là theo một con người – sống đức tin Kitô Giáo là sống với một con người – con người có tên Giêsu. Mọi giới luật của Kitô Giáo nhằm giúp các tín hữu gặp gỡ con người này. Mọi sinh hoạt của Kitô Giáo nhằm giúp các tín hữu biết con người này. Mọi hy sinh và cử hành của Kitô Giáo có mục đích duy nhất là sống với con người này. Găp gỡ-Biết về-Sống với con người Giêsu này là một kinh nghiệm cá nhân. Vẫn biết rằng các tín hữu có thể Gặp gỡ-Biết về-Sống với con người Giêsu qua Kinh Thánh, qua thừa tác viên và mọi người xunh quanh, qua lời cầu nguyện. Nhưng để có thể làm điều Giêsu căn dặn phải làm mà nhớ đến Ngài thì chỉ có cử hành Thánh Thể thực sự vì nơi đó, tín hữu “Cầm lấy thân mình đích thực của Giêsu mà ăn. Cầm lấy chén máu đích thực của Giêsu mà uống”. Việc rước lễ thiêng liêng khi nhìn qua màn hình chiếc điện thoại sẽ rất khác với việc tiến lên bàn thờ, cầm lấy mà ăn, mà uống.
  2. Có rất nhiều người nghe thằng tôi hay nói đến kinh nghiệm “thời gian không hiện hữu.” Thằng tôi không phủ nhận những giới hạn của thời gian mà không gian nó đang sống. Lịch sử cuộc sống của thằng tôi trong đại dịch Covid-19 này đang nằm trong những ngày tháng Tư của năm 2020, đang ở trong một không gian nhỏ bé của vùng Đông Bắc Mỹ. Thế nhưng, niềm tin đã biến lịch sử của biến cố này trong kinh nghiệm nhỏ bé của nó thành một phần của lịch sử cứu độ nơi cử hành Thánh Thể. Tất cả mọi thứ và nhất là mọi người trong cử hành đều dẫn nó bước đi trên những con đường mầu nhiệm để bước vào những “Thực Tại Thần Linh” (Divine Realities). Mầu nhiệm thiêng liêng của thời gian và không gian, khi một mình trong căn phòng nhỏ, trước cái điện thoại sẽ rất khác với việc kinh nghiệm tại nhà thờ – nơi mà từng người tham dự được nghe tiếng hát trầm bổng, được nắm tay nhau giơ lên cao trong lời cầu nguyện cụ thể, được ngửi thấy mùi hương trầm nghi ngút bay, được thấy những tiếng cười giòn tan hay giọt lệ mằn mặn của anh chị em đứng sát ngay bên. Đành rằng bất cứ ai hoà mình vào việc tham dự lễ qua chiếc điện thoại, họ vẫn bước vào “thực tại thần linh” để có kinh nghiệm sống ngoài thời gian và không gian. Nhưng khôn ngoan của những bậc hiền nhân dạy rằng, hành trình bước vào những mầu nhiệm của những thực tại thần linh luôn cần bạn bè đồng môn hơn là cái máy điện thoại thông minh.
  3. Có lẽ nhiều người nói thằng thôi này rất khó trong cử hành Thánh Thể. Đơn giản là nó cố làm hết sức để có những buổi cử hành Thánh Thể thật nghiêm chỉnh, thật đẹp và thật tự nhiên cả về nội dung và hình thức bên ngoài. Chính vì thế, thằng tôi luôn cử hành Thánh Thể như một “diễn viên” của “Vở Kịch Thần Linh”. Là diễn viên, nó cần phải làm tròn vai, tròn trách nhiệm và tốt hơn là làm với cả tâm tình và nhập vai. Nghĩa là nó phải “làm đủ” và “làm tròn” những gì thuộc về mình và chỉ làm những gì thuộc về mình mà thôi. Điều này cần chuẩn bị kỹ lưỡng và cần thực tập nhiều lần.  Dẫu biết rằng những người tham dự cử hành Thánh Thể trực tuyến đều có sự chuẩn bị để có thể làm tròn vai trò và trách nhiệm của mình. Nhưng dù có chủ ý và cố gắng, việc chuẩn bị tham dự Thánh Thể trực tuyến sẽ rất khác vì việc chuẩn bị đó đôi khi lại nhằm vào chiếc máy hơn là chính bản thân mình. Trong khi cử hành, thay vì là diễn viễn trong vở kịch thần linh, người tham dự qua điện thoại vô tình trở thành anh thợ máy.

Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhà thờ vẫn còn nhiều chỗ trống. Nhiều người vẫn bỏ cử hành Thánh Thể. Việc tôn giáo còn vắng bóng sự chân thành. Khi đại dịch đến làm điều kiện sống thay đổi, và khi phải đối diện với những vấn đề giữa sự sống và sự chết, người tín hữu dậy lên lòng khao khát được cử hành Thánh Thể để gần Chúa hơn, nhưng họ lại phải cử hành với một cung cách khác xa với truyền thống là một mình một cõi trong nền văn minh cá nhân chủ nghĩa và chọn lựa những lễ trực tuyến có khi ở tận nơi mà mình không hề biết đó là đâu. Thử hỏi khi đại dịch qua đi, người tín hữu học được gì và có trở nên thánh thiện và gần Chúa hơn không?

Tất cả đều tuỳ thuộc vào từng người chúng ta. Xã hội sẽ đến ngày hết cách ly và người người cũng đang bàn tán về một cung cách sống mới để sống chung với virus. Người Kitô hữu cũng vậy, không biết có nhiều người hơn nhìn ra cơ hội để trở thành chứng nhân bằng cách chuẩn bị chính bản thân mình nhiều hơn để bước vào một lối sống với lòng khao khát hơn và một tình yêu lớn mạnh hơn dành cho việc tìm kiếm một kinh nghiệm cá nhân với Đức Giêsu. Để với kinh nghiệm này, từng thành viên của Giáo Hội không những làm cho đời sống mình được phong phú và tinh tuyền hơn, nhưng còn trở nên hấp dẫn người khác với vẻ đẹp thần linh mà họ kín múc nơi kinh nghiệm của một cuộc gặp gỡ Thần Linh.

Với những chia sẻ này, thằng tôi muốn dâng lời cầu nguyện cho tất cả mọi người được bình an trong lúc khó khăn này, cho đại dịch chóng qua và cho kinh nghiệm về Thánh Thể luôn được gìn giữ tinh tuyền như lần đầu Đức Giêsu cử hành một lần cho mãi mãi.

Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này